Thiên Nhãn Trung Quốc, có nghĩa là con mắt bầu trời Trung Quốc, tên đầy đủ là Kính viễn vọng vô tuyến hình cầu khẩu độ 500m, tên tiếng Anh Five-hundred-meter Aperture Spherical Telescope viết tắt là FAST, đặt tại huyện Bình Đường, tỉnh Quý Châu, dự án "thiên nhãn" bao gồm hệ thống phản xạ tích cực, hệ thống hỗ trợ nguồn cấp dữ liệu, hệ thống đo lường và điều khiển, máy thu và thiết bị đầu cuối, và cơ sở quan sát. Kính thiên văn vô tuyến hình cầu này được nhà thiên văn học người Trung Quốc Nam Nhân Đông thai nghén từ năm 1994 và trải qua hành trình kéo dài 22 năm mới hoàn thành. Nam Nhân Đông mất năm 2017, chỉ sau 1 năm hoàn thành. Nó được khởi công xây dựng từ ngày 25/03/2011, hoàn thành vào ngày 25/09/2016, bước vào giai đoạn chạy thử và quan trắc. Đầu tư dự án Khoảng 667 triệu RMB. Thiên Nhãn sử dụng miệng núi lửa ở khu vực núi đá vôi Quý Châu làm địa điểm đặt kính thiên văn với một chảo parabol khổng lồ thu nhận tín hiệu, có đường kính 500m, Tổng diện tích bề mặt phản xạ Khoảng 250.000 m2, rộng bằng 30 sân bóng đá tiêu chuẩn. Người Trung Quốc có đưa ra một so sánh vui rằng, nếu chiếc chảo parabol khổng lồ này chứa đầy cơm, chia ra cho số người trên toàn trái đất, thì đủ cho mỗi người 2 bát cơm.
Quá trình xây dựng được dẫn dắt bởi Đài quan sát thiên văn
quốc gia của Viện Khoa học Trung Quốc, với quyền sở hữu trí tuệ độc lập của
Trung Quốc. Là kính thiên văn có khẩu độ lớn nhất và nhạy nhất thế giới hiện
nay. Khả năng quan sát, hiệu suất toàn diện gấp mười lần so với
kính viễn vọng vô tuyến nổi tiếng Arecibo của Mỹ (Arecibo đã bị
sập hỏng và ngừng hoàn toàn hoạt động mới đây vào tháng 12/2020).
Ý tưởng thiết kế hoàn
toàn mới, kết hợp với lợi thế địa điểm độc đáo, đã khiến nó phá vỡ giới hạn kỹ
thuật 100 mét của kính thiên văn và tạo ra một mô hình mới để xây dựng kính
thiên văn vô tuyến khổng lồ. FAST sẽ duy trì vị thế đẳng cấp thế giới trong 20
đến 30 năm tới.
Ngày 11 tháng 1 năm
2020, kính thiên văn Thiên Nhãn đã vượt qua vòng nghiệm thu cấp quốc gia và
được đưa vào vận hành chính thức. Tính đến tháng 11 năm 2020, "Con mắt bầu
trời" này đã phát hiện ra hơn 240 sao xung. Dự kiến vào ngày 1
tháng 4 năm 2021, kính thiên văn vô tuyến hình cầu dài 500 mét sẽ chính thức
được mở cửa cho cộng đồng khoa học toàn cầu tham gia nghiên cứu. Hiện nay, một
công viên mô phỏng về thiên văn đã được xây dựng và mở cửa cho khách du lịch,
tại đây, có vị trí cao để có thể tận mắt quan sát được công trình Kính thiên
văn khổng lồ này.